Trồng Trọt
Một số vấn đề cần lưu ý khi canh tác rau thủy canh


Trồng rau thủy canh hồi lưu (dạng ống ngang)
Trồng rau thủy canh hồi lưu (dạng hình trụ)
Trồng rau thủy canh trên ống nhựa
Thủy canh là phương pháp trồng cây trong môi trường dung dịch dinh dưỡng, đơn giản có thể hiểu là phương pháp trồng cây trong nước. Nguyên lý của phương pháp này chính là dùng nước làm môi trường cung cấp đầy đủ cho cây các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết đúng lúc để cây phát triển, vẫn đảm bảo đầy đủ ánh sáng cho quá trình quang hợp, hô hấp của cây để cây có thể phát triển mạnh cho năng suất cao.
Với thủy canh, dinh dưỡng được chuyển hóa dưới dạng lỏng (dạng dễ hấp thụ nhất cho cây) để cây dễ dàng hấp thụ trong quá trình phát triển nên ta hoàn toàn không cần dùng đất làm môi trường sống cho cây.
Đây là mô hình ứng dụng công nghệ trồng rau thủy canh trong nhà màng, nhà lưới, thông qua việc vận hành hệ thống thiết bị tự động hoá trong quá trình canh tác. Trong thủy canh, môi trường nước được cung cấp các chất dinh dưỡng tương đương như trong đất, tạo nên một dung dịch dinh dưỡng hoàn toàn cân đối, tạo cơ hội cung cấp điều kiện tối hảo cho sự sinh trưởng của cây, vì vậy năng suất luôn cao hơn trồng ngoài đồng. Phương pháp này có thể kiểm soát bệnh có trong đất, côn trùng và bệnh hại trên cây, đặc biệt các đối tượng gây hại nghiêm trọng dễ dàng bộc phát thành dịch trong điều kiện trồng liên tục, thâm canh ngoài đồng. Đối với phương pháp thuỷ canh, mặc dù môi trường dinh dưỡng cung cấp đầy đủ các khoáng chất cần thiết và tối ưu cho rễ cây trồng phát triển, tuy nhiên trong quá trình vận hành hệ thống trồng rau thuỷ canh, người trồng rau cần lưu ý một số các yếu tố cần thiết có liên quan trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây rau như sau:
+ Chỉ số pH: Cần phải duy trì pH của dung dịch dinh dưỡng ở mức pH= 5,5-6,0 (pH tối hảo từ 5,8-6,5). Nếu pH vượt qua khỏi ngưỡng cho phép thì sẽ ảnh hưởng cho cây trồng như: Rễ cây phát triển kém, còi cọc, vàng lá,... Do đó, người trồng rau thuỷ canh cần phải trang bị dụng cụ đo pH để theo dõi và điều chỉnh trong khoảng pH thích hợp để đảm bảo cây trồng phát triển tốt.
+ Chỉ số EC (độ dẫn điện): Nồng độ khoáng chất còn gọi là nồng độ muối trong dinh dưỡng. Đây là chỉ số cũng rất quan trọng, nên cần duy trì EC<4, trung bình từ 1-2. Nếu dung dịch có chỉ số EC cao thì sự hấp thu nước của cây diễn ra nhanh hơn sự hấp thu khoáng chất. Điều này làm nồng độ dung dịch tăng cao và gây ngộ độc cho cây. Vì thế, cần phải bổ sung thêm nước vào môi trường. Ngược lại, nếu EC thấp, cây sẽ hấp thu khoáng chất nhanh hơn hấp thu nước. Khi đó, nồng độ dung dịch giảm mạnh, cây sẽ không được cung cấp đầy đủ khoáng chất, chậm lớn và phát triển kém. Vì vậy, cần có thiết bị đo EC để chủ động kiểm tra, theo dõi trong quá trình trồng rau thuỷ canh.
+ Ngộ độc dinh dưỡng: Pha dung dịch dinh dưỡng quá đậm đặc, nồng độ cao hơn giới hạn cho phép của cây rau dẫn đến hư rễ, cháy lá, cây bị chết trong thời gian vài ngày. Chính vì vậy, người trồng rau thuỷ canh nếu không am hiểu về đặc tính hoá học của các chất dinh dưỡng thì không nên tự ý pha dung dịch dinh duỡng để đảm bảo an toàn cho cây, tốt nhất nên chọn mua dung dịch dinh dưỡng pha sẵn từ các công ty uy tín trên thị trường.
+ Chất dinh dưỡng bị kết tủa: Một số chất dinh dưỡng khi phối trộn không hòa tan hoàn toàn (canxi), đặc biệt lắng dưới đáy thùng thủy canh dẫn đến thiếu hụt chất đó. Vì vậy, người trồng rau thuỷ canh cần phải có kiến thức nhất định về tính chất phản ứng hoá học của từng yếu tố dinh dưỡng hoặc được đào tạo, tập huấn kỹ thuật trước khi trồng.
+ Ánh sáng không đủ: Nóc nylon trong nhà màng lâu ngày bị đóng bụi, ảnh hưởng đến khả năng quang hợp nhất là trong mùa mưa. Do đó cần phải có biện pháp vệ sinh tấm nylon trên nóc hoặc thay bằng tấm nylon mới.
+ Ẩm độ không phù hợp: Thường phần ngọn cây rau gần nóc nylon, ẩm độ không khí thường thấp (khô ráo) hơn phần gốc. Vì vậy, cần phải bố trí quạt thổi không khí từ ngoài vào qua màn nước và hệ thống phun sương mù gần nóc nhà.
+ Rễ bị thiếu oxy: Do hệ thống rễ bị ngập sâu trong dung dịch dinh dưỡng…điều này thường gặp đối với phương pháp trồng thuỷ canh tĩnh, dinh dưỡng sẽ đứng yên và không có sự trao đổi chất, rễ cây không có sự hô hấp, trao đổi khí, gây ức chế và bị thối rễ. Vì thế, cần sử dụng máy sục khí giúp cung cấp oxy cần thiết cho cây trồng phát triển và ngăn tình trạng thối rễ.
+ Nhiệt độ không phù hợp: Nhiệt độ tăng cao trong vụ Xuân Hè (tháng 3 -4dl), làm lá bị héo vào buổi trưa do mất nhiều nước, dẫn đến cây chậm lớn. Do đó, trồng rau thuỷ canh trong nhà màng, nhất là thời điểm nắng nóng cần trang bị, thiết kế lắp đặt quạt, hệ thống phun sương để đảm bảo điều kiện mát mẽ, lưu thông không khí cho cây rau sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Trên đây là những vấn đề cần lưu ý có thể giúp người trồng rau thuỷ canh hiểu rõ hơn về phương pháp trồng cũng như biết cách khắc phục những sự cố gặp phải trong quá trình trồng và các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường dinh dưỡng liên quan trực tiếp đến sự phát triển của cây rau./.

Trồng rau thủy canh trên ống nhựa

Nguyễn Thị Thúy Hồng
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Cần Thơ 



CÁC TIN KHÁC: